Ngày hội thể thao (tên tiếng Nhật: 運動会, đọc: undokai) là sự kiện giáo dục thể chất được thực hiện theo chương trình quy định với sự tham gia của học sinh, phụ huynh cùng với sự quản lý từ các trường học, công ty, tổ chức địa phương, v.v. Có lúc nó còn được gọi là lễ hội thể thao (体育祭, đọc: taiikumatsuri)… Đây cũng là hoạt động được phụ huynh và trẻ nhỏ mong chờ khi học nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học…
Cùng Mirairis điểm qua một số hoạt động phổ biến trong ngày hội thể thao ở Nhật nhé!
1. Ném bóng
Tiếng Nhật: 玉入れ, đọc: tama ire
Đây là hoạt động khá phổ biến của ngày hội thể thao. Điều hấp dẫn của trò này là mọi người từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể tham gia và luật chơi rất đơn giản. Ngoài ra thì cách sắp xếp, di chuyển rổ và các yếu tố can thiệp từ đội đối phương cũng là điểm thu hút của trò này.
Người ta nói rằng nguồn gốc của tama ire là từ thời Minh Trị. Có vẻ như chiếc rổ bóng này đã được sử dụng trong các ngày thể thao mà chủ yếu là các sự kiện quân sự. Sau đó nó dần xuất hiện như một môn thể thao dành cho trẻ em được tổ chức trong trường học, và đã có mặt trong các ngày hội thể thao của công ty. Cho đến ngày nay, ném bóng đã được ưa chuộng tại nhiều lễ hội thể thao. Năm 1996, Hiệp hội ném bóng toàn Nhật Bản (AJTA) được thành lập tại thị trấn Wasamu, Hokkaido.
2. Tiếp sức
Tiếng Nhật: リレー, đọc: rire
Tiếp sức là sự kiện nổi bật của các ngày hội thể thao. Cuộc đấu sức được quyết định bằng việc chuyền gậy hoặc vòng tròn… để thể hiện tinh thần đồng đội. Nó thường là sự kiện cuối cùng quyết định chiến thắng hay thất bại nên cả vận động viên và khán giả đều có thể tận hưởng sự cổ vũ nhiệt tình.
Nguồn gốc của các cuộc chạy tiếp sức mang tính cạnh tranh là các cuộc thi chạy tiếp sức của bộ lạc được tổ chức bằng cách sử dụng đuốc và gậy ở Hy Lạp cổ đại, và được cho là đã trở thành nền tảng cho các cuộc chạy tiếp sức ngọn đuốc Olympic và chạy tiếp sức điền kinh. Tiếp sức lần đầu tiên được tổ chức tại Thế vận hội năm 1908 ở London, Anh. Vào thời điểm đó, gậy chuyền không được sử dụng và người chơi chỉ cần chạm tay vào người chơi tiếp theo. Sau đó, gậy chuyền bắt đầu được sử dụng tại Thế vận hội Stockholm 1912 ở Thụy Điển. Trong những năm gần đây, thành tích của đội tuyển nam Nhật Bản rất xuất sắc, họ đã tận dụng được kỹ năng chuyền gậy của mình để giành huy chương bạc tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016.
3. Kéo co
Tiếng Nhật: 綱引き, đọc: tsunahiki
Kéo co cũng là một hoạt động không thể thiếu trong các ngày hội thể thao. Tuy luật chơi đơn giản nhưng việc cùng nhau kéo trên một sợi dây đòi hỏi phải có tinh thần đồng đội, chẳng hạn như cách xếp người, cách cầm dây và khi nào dùng lực.
Kéo co có lịch sử lâu đời và được tổ chức trên khắp thế giới từ xa xưa như một nghi lễ để dự đoán mùa màng tốt hay xấu. Kéo co ở Nhật Bản trở thành trò chơi phổ biến dành cho dân thường trong thời Kamakura và Muromachi, và người ta nói rằng kéo co bắt đầu được chơi như một trò chơi cùng với kéo cổ, kéo ngón tay và kéo tay. Sau này, vào thời Minh Trị, với sự lan rộng của các ngày hội thể thao, nó đã trở thành một hoạt động phổ biến. Trò chơi kéo co cũng xuất hiện trong thế giới thần thoại, chẳng hạn như truyền thuyết về Kunihiki trong Izumo Fudoki.
Trong những năm gần đây, kéo co đã được sử dụng như một môn điền kinh Olympic từ Thế vận hội Paris lần thứ 2 năm 1900 đến Thế vận hội Antwerp lần thứ 7. Thậm chí ngày nay, nó vẫn được tổ chức trên khắp đất nước như một sự kiện truyền thống để dự đoán một mùa màng bội thu và đánh bắt được nhiều cá…
4. Vượt chướng ngại vật
Tiếng Nhật: 障害物競走, đọc: shougaibutsukyosou
Nhiều người cảm thấy rằng các cuộc đua vượt chướng ngại vật dễ tham gia hơn các cuộc đua bằng chân như chạy. Khán giả thì vô cùng vui khi được xem cách người tham gia vượt qua chướng ngại vật bằng nhiều ý tưởng khác nhau và đó là một sự kiện khiến toàn bộ địa điểm tổ chức hội thao phấn khích. Các chướng ngại vật có thể thay đổi tùy từng nơi tổ chức, chủ yếu sẽ có: đi cầu thăng bằng, chui qua lưới, nhảy bằng bao bố… Trong một số trường hợp, các cuộc thi như thi ăn bánh sẽ được sắp xếp làm chướng ngại vật.
5. Lăn bóng
Tiếng Nhật: 大玉転がし, đọc: odama korogashi
Đây là hoạt động trong đó 2 đến 4 người tạo thành một đội và lăn một quả bóng lớn. Nó đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các thành viên tỏng đội đồng thời hấp dẫn người xem vì các yếu tố xây dựng nhóm. Để giành chiến thắng bằng cách lăn những quả bóng lớn, điều quan trọng là phải vừa chạy nhanh hơn vừa xử lý tốt những quả bóng lớn. Ngay cả khi bạn có khả năng chạy nhanh, nếu bạn mất thời gian xử lý những quả bóng lớn, cuối cùng bạn sẽ chạy chậm hơn.
6. Chuyền bóng
Tiếng Nhật: 大玉送り, đọc: odama okuri
Trong trò này các thành viên trong đội sẽ phối hợp cùng nhau để vận chuyển một quả bóng lớn mà không làm nó chạm đất. Mặc dù chỉ là một hoạt động đơn giản nhưng người chơi sẽ nhớ cảm giác hồi hộp khi nhìn thấy một quả bóng lớn bay qua đầu mình. Đó là một sự kiện thú vị có thể lồng ghép vào những ngày thể thao dành cho người lớn không có nhiều thời gian tập luyện.
7. Nhảy đồng đội
Tiếng Nhật: 大縄跳び, đọc: dainawatobi
Hoạt động này đòi hỏi sự tham gia của cả đội, bao gồm người quay dây và người nhảy dây. Mặc dù cần thực hành một chút nhưng đây là một sự kiện có thể mang lại hiệu quả xây dựng nhóm tuyệt vời. Dựa trên các tài liệu lịch sử, có vẻ như môn nhảy dây đã tồn tại ở Nhật Bản ít nhất là từ thời Muromachi. Người ta nói rằng nhảy dây như một nền văn hóa giáo dục bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 khi một giáo viên thể dục người Đức viết về nó trong một cuốn sách, dẫn đến việc sử dụng dây hiện nay trong các sự kiện thể thao và các lớp học thể dục… Sau đó nó đã được du nhập từ Đức vào Nhật Bản cuối thế kỷ 19.
8. Kéo gậy
Tiếng Nhật: 棒引き, đọc: bobiki
Người chơi được chia thành 2 đội và nhiệm vụ của mỗi đội là mang cây gậy ở vị trí quy định về chỗ của đội mình. Hoạt động này đòi hỏi sức mạnh tức thời để chạy và kéo gậy khi có tín hiệu xuất phát, cũng như khả năng thương lượng để quyết định nên chọn gậy nào.
9. 2 người 3 chân
Tiếng Nhật: 2人3脚, đọc: ninin sankyaku
2 người bắt thành từng 1 cặp và buộc mắt cá chân của 2 người lại bằng 1 sợi dây. Đây là hoạt động chạy đồng bộ với động tác của chân và hướng tới mục tiêu. Đây là cuộc thi mà cả trẻ em và người lớn đều có thể yêu thích, cha mẹ và trẻ em có thể bắt cặp hoặc phân chia theo tốc độ chân hoặc chiều cao để chạy dễ dàng hơn. Ngoài ra còn có những cách sắp xếp để tăng số lượng người lên như 3 người 4 chân hoặc 4 người 5 chân. Đôi khi được kết hợp với vượt chướng ngại vật. Không chỉ tốc độ của người chạy mới quan trọng mà sự phối hợp với đồng đội cũng rất quan trọng.
10. Mắt bão
Tiếng Nhật: 台風の目, đọc: taifunome
Đây là hoạt động trong đó các nhóm từ 4 đến 5 người chạy cạnh nhau và cùng cầm 1 cây gậy dài. Điều quan trọng là có thể di chuyển thành công các hình nón được thiết lập ở giữa sân và những người ở ngoài sân có quãng đường chạy dài nhất nên cần có khả năng chạy và thể lực. Có một hình nón ở giữa sân và thông lệ tiêu chuẩn là phải đi vòng quanh hình nón như một cơn bão. Số lượt quay và số lượng nón có thể thay đổi tùy theo số lượng người tham gia và độ tuổi của họ. Ngoài ra còn có một quy định là sau khi chạy xong, gậy phải đi qua dưới chân mọi người trước khi chuyền cho nhóm tiếp theo.
Đặc điểm chung của các hoạt động trong ngày hội thể thao là luật chơi dễ hiểu và không kén chọn người tham gia. Không chỉ trường học mà các công ty, tổ chức cũng có thể áp dụng những trò chơi này trong teambulding của mình.